Tại sao trong các tranh vẽ, một số vị thánh được vẽ với sọ người bên cạnh?

Khi chiêm ngắm các tranh thờ Kitô giáo, người ta thường thấy có những sọ người bên cạnh các vị thánh, thậm chí có vị thánh, tay thì cầm lấy sọ người, còn mắt thì đăm đăm nhìn vào hai hốc mắt của chiếc sọ ấy. Sao lại vậy? Như vậy chẳng phải là có gì đó u ám hay sao?
Vâng, đúng như vậy, đây chính là mấu chốt của vấn đề.
Tại sao trong các tranh vẽ, một số vị thánh được vẽ với sọ người đặt bên cạnh?
Hình: Thánh Giêrônimô, ngài đã sửa chữa các bản dịch Thánh Kinh theo nguyên bản Hy-lạp, và bản Vulgata (tiếng La-tinh) của ngài vẫn còn được Giáo hội dùng cho mãi tới hôm nay.
Các sọ người đặt cạnh các hoạ ảnh mô tả các vị thánh, nhằm nhấn mạnh, nhằm làm nổi bật sự khôn ngoan cũng như ý thức liên lỉ của các vị về tính hay chết, chóng qua hư ảo của mình. Các vị luôn ý thức về sự chết, và do đó cũng là động lực thúc đẩy các vị gắng sức nên hoàn thiện.
Thành ngữ Latin memento mori (ý thức về sự chết, về tính hay chết) là câu được Giáo hội cũng như nhiều thánh nhân dùng hay nói đến từ nhiều thế kỷ nay, nhằm cổ võ thực hành tâm linh này. Đấy thực sự đơn giản chỉ là cái ý thức rằng “hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro một mai người sẽ trở về bụi tro” như chúng ta vẫn thốt ra vào đầu mỗi Mùa Chay. Thành ngữ này nhắc nhớ chúng ta rằng, cuộc sống của chúng ta trên trần thế này ngắn ngủi, và chúng ta không biết ngày nào giờ nào Chúa Kitô sẽ đến và gọi chúng ta về.
Một số vị thánh còn áp dụng triệt để hơn câu thành ngữ ấy, các ngài đặt một sọ người trên bàn làm việc, như thánh Gerard chẳng hạn. Theo linh mục John Bartunek, “ĐTC Alexander VIII đã nhờ điêu khắc gia đại tài trường phái baroque là Bernini, tạc cho ngài một cỗ quan tài nho nhỏ bằng đá cẩm thạch, khi ngài được bầu lên làm giáo hoàng. Ngài đã đặt chiếc quan tài này trên bàn làm việc của mình để nhắc nhớ rằng, sẽ có ngày ngài rời dương thế và phải tính sổ với Chúa về cách ngài sống trên cương vị giáo hoàng”.
Bất chấp chúng ta có quẫy đạp, kháng cự đến mấy trước cái chết, thì rồi ra nó cũng sẽ ập tới cho tất cả chúng ta. Chúng ta chưa tìm thấy “suối nguồn tươi trẻ” giúp đảo ngược tiến trình sự sống, giúp cải lão hoàn đồng. Khoa học chưa tạo ra được viên thuốc giúp người ta sống mãi (và chẳng bao giờ có chuyện đó).
Ai cũng chết. Các vị thánh ý thức rõ về sự thật đơn sơ này, và không muốn lãng quên. Các vị ý thức rằng Thiên Chúa sẽ phán xét các ngài khi các ngài ra đi, và các ngài không muốn đến trước nhan Người với bàn tay trắng.
Chẳng có chi là lệch lạc khi nghĩ tưởng về cái ngày phải chết của chính mình, điều ấy sẽ giúp ta gặt hái được nhiều ích lợi về đàng thiêng liêng. Nếu chúng ta không có được nỗi e sợ lành mạnh về sự chết, chúng ta sẽ sao lãng bổn phận Kitô hữu của mình nơi trần thế.
Đồng thời, cũng chẳng có chi là lệch lạc nếu ít nhiều chúng ta cũng ước muốn được chết đi, vì biết rằng nếu được sống cận kề bên Chúa, thì cái chết chính là cánh cửa dẫn tới Sự Sống Vĩnh Hằng. Với chúng ta, cái chết vừa là một lời nguyền, vừa là một phúc lành vậy. Nó là một hình phạt do bởi thế giới đã sa ngã, nhưng nó cũng là một ân phước nữa, vì giúp chúng ta nhanh chóng đến gần hơn với sự hiệp thông trọn vẹn cùng Thiên Chúa.
Các thánh nhân ý thức rõ điều này, và để thể hiện sự khôn ngoan của các vị, các nghệ sỹ, các điêu khắc gia đã mô tả các các ngài cầm sọ người, hay có sọ người kề bên.
Philip Kosloski
Chuyển dịch: Hoàng Long (Nhóm phiên dịch Mai Khôi)
https://aleteia.org
LIKE and Share this article: :

No comments:

Post a Comment