Đức Giê-su Kitô có thực sự tồn tại hay không?

Ngày nay, một số người cho rằng Chúa Giê-su chỉ là sự tưởng tượng của con người, chứ không phải là một nhân vật trong lịch sử nhân loại, nhưng có rất nhiều bằng chứng được viết lại về sự tồn tại của Ngài cách đây 2000 năm.



Chúng ta có thể tin rằng Chúa Giêsu Kitô thực sự tồn tại như thế nào?
Bằng chứng lịch sử của Chúa Giê-su Na-gia-rét được thiết lập lâu dài và đã được phổ biến rộng rãi. Trong vài thập kỷ Chúa Giê-su sống, Người được các sử gia Do Thái và Hy Lạp đề cập tới, cũng như trong hàng chục bản văn do người Kitô hữu viết ra. Hãy so sánh với ví dụ của vua Arthur, được cho là đã sống vào khoảng năm 500 SCN. Các nguồn tài liệu lịch sử quan trọng cho các sự kiện thời đó thậm chí không đề cập đến Arthur, và ông lần đầu tiên được nhắc đến vào khoảng 300 hoặc 400 năm sau thời ông được cho là đã sống. Bằng chứng cho Chúa Giêsu không chỉ giới hạn trong truyền thuyết dân gian sau này như trường hợp vua Arthur.
Các bản văn do các Kitô hữu viết ra cho chúng ta biết những gì?
Giá trị của những bằng chứng này là ở chỗ chúng đã có từ rất sớm và cũng khá chi tiết và rõ ràng. Các bản văn đầu tiên do người Kitô giáo viết ra nói về Chúa Giêsu là các thư của Thánh Phaolô, và các học giả đồng ý rằng những thư này được viết sớm nhất là trong khoảng 25 năm sau cái chết của Đức Giêsu, trong khi các thông tin chi tiết về cuộc đời Chúa Giêsu trong Tân Ước thì có từ khoảng 40 năm sau khi Chúa chịu chết. Tất cả các văn bản này đều xuất hiện phù hợp với thời gian sống của các chứng nhân, mô tả phù hợp với văn hoá và địa lý của đất nước Palestine trong thế kỷ thứ nhất. Thật khó để tưởng tượng được tại sao các Kitô hữu đó lại có thể hư cấu ra hình tượng vị cứu tinh Do Thái trọn vẹn như vậy trong không gian và thời gian như vậy – dưới sự thống trị của đế chế La Mã – nơi Do Thái giáo bị nghi kị nặng nề.
Những tác giả ngoài Kitô giáo đã nói gì về Chúa Giê-su?
Theo như những gì chúng ta biết, tác giả đầu tiên ngoài Giáo hội đề cập đến Chúa Giêsu là sử gia Do Thái Flavius Josephus,  người đã về viết lịch sử Do Thái giáo vào khoảng năm 93 SCN. Ông ta nhắc đến Chúa Giêsu ở 2 chỗ. Một chỗ vẫn còn đang gây tranh cãi, vì người ta cho rằng nó đã bị các học giả Kitô giáo nhúng tay vào (có thể là để nhằm giữ hình tượng của ông này). Còn chỗ thứ hai thì không có gì để nghi ngờ – nhắc đến Giacôbê, anh em của “Giêsu người được gọi là Đấng Kitô”.
Khoảng 20 năm sau Josephus, có các chính trị gia La Mã tên là Pliny và Tacitus, là những người nắm giữ một số cơ quan nhà nước cao nhất vào đầu thế kỷ thứ hai sau công nguyên. Tacitus cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã bị hành quyết trong thời Phi-la-tô là vị Tổng trấn La Mã cai quản xứ Giu-đê (26-36 SCN) và Tiberius là hoàng đế (14-37 SCN) – tài liệu này phù hợp với mốc thời gian của các sách Tin Mừng. Pliny cho biết thêm rằng, khi ông còn làm thống đốc ở miền bắc Thổ Nhĩ Kỳ, các Kitô hữu tôn thờ Chúa Kitô như một vị thần. Cả hai vị này đều không thích người Kitô hữu – Plini thì viết về sự “ngoan cố của họ” còn Tacitus gọi tôn giáo của họ là một thứ mê tín dị đoan có tính huỷ diệt.
Các tác gia cổ đại có bàn về sự tồn tại của Chúa Giêsu không?
Một điều đáng chú ý là không có bất cứ cuộc tranh luận nào trong thế giới cổ đại bàn về việc liệu Giê-su Na-gia-rét có phải là một nhân vật lịch sử hay không. Trong nền văn học xa xưa nhất của các thầy giảng Do Thái, Chúa Giê-su bị tố là đứa con ngoài giá thú của Maria và một phù thủy. Trong số dân ngoại không theo Do Thái giáo hay Kitô giáo, nhà văn trào phúng Lucian và nhà triết học Celsus đã loại trừ Chúa Giêsu và xem Ngài như một tên du thủ du thực, nhưng chúng ta không biết có người nào trong thế giới cổ đại đặt câu hỏi liệu Chúa Giê-su có từng tồn tại.
Ngày nay, người ta tranh luận ra sao về sự tồn tại của Chúa Giê-su?
Trong một cuốn sách gần đây, triết gia người Pháp Michel Onfray cho rằng Chúa Giê-su chỉ đơn giản là một giả thuyết, sự hiện hữu của Ngài chỉ là tưởng tượng chứ không phải là một nhân vật lịch sử. Khoảng 10 năm trước, một tổ chức nghiên cứu về các thông tin của Chúa Giêsu được thành lập ở Hoa Kỳ; một trong những câu hỏi chính được đưa ra tranh luận là : “Liệu Chúa Giê-su có tồn tại hay không?”. Một số tác giả thậm chí còn cho rằng ông Giêsu thành Na-gia-rét là một trò bịp hai lớp, rằng cả Chúa Giê-su và thành Na-gia-rét đều là những chuyện bịa đặt của người Kitô hữu. Tuy nhiên, đáng lưu ý là hai nhà sử học chính thống viết nhiều nhất chống lại những lý thuyết hoài nghi quá mức này là người vô thần: Maurice Casey (là cựu sinh viên của trường Đại học Nottingham) và Bart Ehrman (Đại học North Carolina). Họ chỉ trích gay gắt hướng nghiên cứu này về “thần thoại Chúa Giê-su”, coi chúng là giả danh trí thức. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát gần đây cho biết rằng 40% người lớn ở Anh không tin rằng Chúa Giê-su là một nhân vật lịch sử thực sự.
Có bất cứ bằng chứng khảo cổ nào về Chúa Giê-su không?
Một trong những lý do khiến người ta bối rối khi tìm hiểu về tính có thật trong lịch sử của Chúa Giê-su, có thể là do các ý tưởng kỳ quái về Ngài mà giới khảo cổ đưa ra. Gần đây có những thông tin cho rằng Chúa Giêsu là cháu nhiều đời của Cleopatra, dựa vào hình khắc trên những đồng xu cổ đại mà người ta quả quyết rằng đó là Chúa Giê-su đội mão gai. Người ta cũng rất quan tâm đến Khăn liệm Turin, được cho là tấm khăn liệm xác Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã nói rằng đó là một thứ mà “không có bất kỳ nghệ sĩ trần gian nào có thể làm ra nó” và đó là một “biểu tượng của ngày Thứ bảy Tuần Thánh”.
Tuy nhiên, khó có sử gia nào coi đó là dữ liệu khảo cổ nghiêm túc. Các bản văn do người Kitô giáo, Do Thái và La Mã viết ra là những bằng chứng quan trọng nhất
Những nguồn tài liệu lịch sử này giúp chúng ta không còn gì để nghi ngờ việc Chúa Giêsu đã sống và đã chết. Câu hỏi thú vị hơn đặt ra – vượt xa lịch sử và thực tế khách quan – là liệu Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại.
Simon Gathercole
Chuyển dịch: Kim Bình (Nhóm phiên dịch Mai Khôi)
Nguồn: thegardian.com
LIKE and Share this article: :

No comments:

Post a Comment